Thế kỷ XXI “chạm ngõ” kéo theo sự bùng nổ của thương mại điện tử, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu, cộng thêm tư duy về cái đẹp đã trở lên thực tế hơn…tạo thành đòn bẩy đưa Mỹ thuật ứng dụng trở thành ngành hot trong vài năm trở lại đây.
Nhận diện mỹ thuật ứng dụng
Bất cứ một đồ vật nào tồn tại xung quanh con người đều cần đến bàn tay của người làm Mỹ thuật ứng dụng (MTUD) – Giữ một vai trò quan trọng là thế trong đời sống nhưng dường như MTUD vẫn là khái niệm xa lạ với nhiều người.
Hiểu nôm na, MTUD dùng để chỉ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật được đưa vào ứng dụng thực tế trong cuộc sống thường ngày. Để tạo nên sản phẩm MTUD hoàn chỉnh là sự tổng hợp của nhiều yếu tố bao gồm: kỹ thuật, công nghệ và không thể thiếu cái nhìn thẩm mỹ.
Mỹ thuật ứng dụng bao gồm các lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế trang trí nội ngoại thất, thiết kế truyền thống, thiết kế thời trang… Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, MTUD đã và đang thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỹ thuật ứng dụng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Hầu hết các sản phẩm ra đời dưới bàn tay của người làm mỹ thuật ứng dụng đều không chỉ dừng lại ở giá trị công năng, công thái học, sinh thái học mà còn bao hàm cả giá trị thẩm mỹ mang tính xã hội, văn hoá và phản ánh trình độ phát triển kỹ thuật công nghệ của cộng đồng.
Vai trò là thế, nhưng dường như MTƯD ở ta vẫn còn là một “mảnh đất” chưa được định giá đúng để khai phá tiềm năng và sức mạnh. Thực trạng phát triển mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.
Mỹ thuật ứng dụng: Cung có đủ cầu?
Theo khảo sát, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 chỉ tiêu đào tạo các ngành liên quan đến mỹ thuật: hội họa, mỹ thuật ứng dụng, sư phạm mỹ thuật… được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh trong cả nước. Đây là con số không hề nhỏ, tuy nhiên số cử nhân ngành MTUD sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp lại đang khá yếu và thiếu.
Bản chất của MTUD là tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, tuy nhiên có một thực tế trái ngược đang diễn ra đó là sinh viên ngành MTUD đang bị bó hẹp trong khuôn khổ lý thuyết mà ít được tiếp cận với thực tế. Chính việc học “chay”, “nhồi nhét” lý thuyết khiến khả năng sáng tạo của sinh viên bị hạn chế không ít.
Đào tạo MTUD theo mô hình Đại học ứng dụng sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với thực tế hơn
Hiện nay, tại một số trường Đại học công tác đào tạo cử nhân ngành MTUD đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì đào tạo theo phương pháp hàn lâm, nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, một số trường đã áp dụng mô hình đại học ứng dụng hiện đang rất phổ biến ở các nước phương Tây. Điểm ưu việt của mô hình thể hiện ở việc phân bổ thời gian dành cho lý thuyết và thực hành, theo đó lý thuyết chỉ chiếm 30%, còn lại 70% dành cho thực hành, thực tế tại doanh nghiệp.
Bắt đầu áp dụng mô hình đại học ứng dụng từ năm học 2016-2017, Đại học Nguyễn Trãi trở thành trường Đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình đào tạo ưu việt này. Với ngành MTUD, trường Đại học Nguyễn Trãi coi đây là ngành chủ đạo, vì vậy ngoài việc đầu tư đội ngũ giảng viên, họa sĩ đầu ngành, cơ sở vật chất hiện đại, Đại học Nguyễn Trãi đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. 100% sinh viên ngành MTUD được tiếp cận thực tế thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với gần 200 doanh nghiệp.
Với sự liên kết này, trong suốt quá trình học tập, sinh viên được tạo điều kiện thực tập tại các đơn vị chuyên ngành. 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, không ít bạn đã và đang thành công trong nghề với các sản phẩm, công trình thiết kế chất lượng, tạo ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Điển hình như trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp vừa qua, 2 trong số 12 em thuộc ngành Thiết kế đồ họa được doanh nghiệp tiếp nhận ngay lập tức, 2 đề tài được doanh nghiệp đặt mua vì mang tính ứng dụng cao. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Thầy và trò, cũng là minh chứng cho định hướng đổi mới giáo dục đúng đắn mà trường Đại học Nguyễn Trãi đã và đang triển khai.