Trước khi chọn một ngành học, câu hỏi các bạn học sinh thường đặt ra nhất là: Ra trường sẽ làm gì? Đối với ngành Quản trị kinh doanh Du lịch, nhiều bạn trẻ vẫn thường hình dung các công việc sẽ là hướng dẫn viên du lịch hoặc phục vụ các nhà hàng, khách sạn… Thực ra, đây là một ngành học rộng và nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn thế. Vậy sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch sau khi ra trường sẽ làm những công việc gì, hãy cùng đọc bài viết sau nhé:
Đối với chuyên ngành Du lịch Lữ hành
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), mỗi năm toàn ngành Quản trị kinh doanh Du lịch mảng Du lịch Lữ hành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với mức lương khởi điểm hấp dẫn, khoảng 5-15 triệu đồng/tháng cùng với chế độ ưu đãi tốt.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Du lịch chuyên ngành Du lịch Lữ hành có thể tự tin làm việc tại các vị trí sau: hướng dẫn viên du lịch hoặc chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức hội nghị – sự kiện; quản trị – điều hành – thiết kế tour tại các công ty trong và ngoài nước hoặc các tổ chức phi chính phủ; chuyên viên tại các Sở, ban, Ngành về Du lịch hoặc nghiên cứu, giảng dạy về du lịch tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu,…Thêm vào đó, làm việc trong ngành Quản trị kinh doanh Du lịch chuyên ngành Du lịch Lữ hành cũng đồng nghĩa với việc bạn có rất nhiều cơ hội để tự khẳng định bản thân, phát triển khả năng kinh doanh độc lập. Một trong những xu hướng được ưu tiên lựa chọn hiện nay chính là thành lập công ty kinh doanh dịch vụ du lịch – lữ hành của riêng mình.
Đặc biệt, một công việc mà các bạn học ngành Quản trị kinh doanh Du lịch chuyên ngành Du lịch Lữ hành lựa chọn hiện nay là làm Hướng dẫn viên. Thu nhập bình quân của hướng dẫn viên du lịch là từ 4 – 10 triệu đồng/tháng đối với HDV nội địa, từ 7 – 15 triệu đồng/tháng đối với HDV Inbound; chưa tính các khoản thưởng, “hoa hồng” và tiền tip trực tiếp từ khách du lịch. Mức lương cao hay thấp tùy thuộc vào yếu tố như: quy mô công ty, hiệu suất công việc, mức độ đáp ứng khách hàng,…Ngoài ra, nếu bạn giỏi ngoại ngữ tới mức thành thạo, hiểu biết, nắm vững các phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử,.. của nhiều nơi trên thế giới, biết làm thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục lên xuống máy bay (check-in, check-out) và có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh hay sự cố nếu có xảy ra ở hải ngoại hay trên đường vận chuyển thì bạn có thể trở thành HDV Outbound với mức lương hấp dẫn có thể lên đến 50 triệu đồng/ tháng.
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch trường Đại học Nguyễn Trãi chuyên ngành Du lịch Lữ hành ngay từ năm nhất đã có thể tham gia phụ tour, sang năm hai có thể dẫn những tour đơn giản như tour mầm non, tour học sinh, tour công nhân,… hoặc tham gia làm CTV, nhân viên sale tại các công ty du lịch, hoặc có thể trở thành Coach, MC trong các sự kiện, chương trình teambuiding, gala,….
Đối với chuyên ngành Quản trị Khách sạn – Nhà hàng:
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành du lịch hiện nay cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các vùng du lịch trọng điểm hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch chuyên ngành quản trị Khách sạn – Nhà hàng khi ra trường.
Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh Du lịch chuyên ngành quản trị Khách sạn – Nhà hàng sau khi ra trường có thể làm việc tại nhiều bộ phận của khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch như: kinh doanh – marketing, quản trị nhân sự – hành chính, tài chính – kế toán, lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, bếp, vui chơi – giải trí – thể thao,…; làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước; hoặc giảng dạy, nghiên cứu về ngành ngành khách sạn – nhà hàng tại các trường Đại học, Cao đẳng nghề…
Mức lương của ngành này luôn nằm ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động và nó sẽ phân chia theo cấp bậc công việc, đặc biệt nhân lực cấp độ Quản lý khi mức lương ngày càng được đẩy lên cao, dao động từ 15-50 triệu đồng. Còn với cấp độ thấp hơn như Nhân viên, Tổ trưởng, mức lương sẽ thấp hơn nhưng vấn ở mức cao, dao động từ 4-15 triệu đồng.
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch trường Đại học Nguyễn Trãi chuyên ngành quản trị Khách sạn – Nhà hàng ngay từ năm hai đã đăng ký các công việc Casual hoặc tham gia thực tập, trải nghiệm thực tế tại các hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí hàng đầu như Vinpearl, Melía Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Flamingo Đại Lải,…
Tóm lại, với sự đa dạng như vậy, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp tùy theo sở thích, năng khiếu. Tại khoa Du lịch trường Đại học Nguyễn Trãi, để sinh viên định hướng rõ ràng hơn về con đường tương lai của mình, mỗi năm khoa đều tổ chức những hoạt động hướng nghiệp ngay sau khi các bạn sinh viên nhập học, giúp sinh viên hiểu những chuyên ngành học của khoa. Và năm thứ nhất, các bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ và trải nghiệm ngay tại các doanh nghiệp để biết được nhu cầu từ nhà tuyển dụng và hiểu được mình cần phải “bán” gì cho doanh nghiệp.