PV: Thời gian đăng ký xét tuyển đại học đang đến gần, thế nhưng nhiều học sinh cuối cấp THPT vẫn đang băn khoăn trong việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, không ít em có tâm lý chạy theo những ngành “hot”, thầy có chia sẻ gì với thí sinh về vấn đề này?
Ths Phạm Văn Minh: Tình trạng này xuất phát từ việc các em không được học một cách bài bản về hướng nghiệp. Nếu được học bài bản các em sẽ thấy rằng, việc hướng nghiệp không chỉ dành cho học sinh lớp 12 khi chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học. Ở nhiều nước trên thế giới, công tác hướng nghiệp bắt đầu ngay từ bậc mẫu giáo. Thông qua các hành vi thường ngày của trẻ, giáo viên sẽ nhận ra các con thích gì và có năng khiếu trong lĩnh vực nào. Tất cả những kiến thức này được hình thành từ sớm và tạo thành kiến thức nghề nghiệp. Tôi nhấn mạnh rằng định hướng nghề nghiệp cần thực hiện ngay từ nhỏ.
Bên cạnh đó, khi nói đến lựa chọn nghề nghiệp, nhiều em chỉ chăm chú nhìn vào phần ngọn, thấy quả chín, mà chưa nghĩ đến việc sẽ vun trồng, nỗ lực ra sao. Nhiều thí sinh lựa chọn ngành nghề vì thu nhập cao, vì môi trường ổn định hay xu hướng xã hội mà chưa nhìn nhận lại năng lực của bản thân, không hiểu được sở trường, sở đoản của bản thân. Đây là những điều mà các em đang vướng phải.
Các em vẫn đang nhìn xã hội bên ngoài để lựa chọn cho mình. Thậm chí nhiều em lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân nhưng thực tế là viết tiếp ước mơ của bố mẹ.
Khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần căn cứ vào 4 yếu tố. Trong đó, đầu tiên các em cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, chỉ khi yêu thích các em mới có động lực, hứng thú, dành trọn thời gian, công sức để làm. Với những công việc không yêu thích sẽ dễ rơi vào trạng thái làm đối phó, làm cho xong.
Chọn ngành mình thích nhưng ngành đó các em phải giỏi, giỏi hơn so với người khác và giỏi so với chính bản thân mình. Có những công việc các em thích nhưng chưa chắc giỏi cũng không nên lựa chọn.
Thứ 3, đó phải là ngành xã hội cần. Cho dù đó là ngành nghề các em rất thích, rất đam mê, nhưng xã hội không có nhu cầu, cũng không thể lựa chọn.
Thứ 4, ngoài yếu tố yêu thích, giỏi, xã hội cần, thì xã hội còn cần sẵn sàng trả tiền cho các em nếu theo đuổi ngành nghề đó. Một học sinh lựa chọn ngành nghề để theo đuổi trong tương lai ít nhất cần tổng hợp cả 4 yếu tố này, nếu làm được như vậy chắc chắn các em sẽ gắn bó và phát triển với nghề.
PV: Ngoài những ngành truyền thống, những năm gần đây, nhiều trường mở thêm các ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, song nhiều thí sinh vẫn còn e ngại khi lựa chọn những ngành này, thầy có lời khuyên gì cho thí sinh?
Ths Phạm Văn Minh: Bất kể điều gì mới đều có rủi ro, tuy nhiên rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Những thí sinh đủ can đảm lựa chọn, theo đuổi những ngành mới sẽ phải chấp nhận rủi ro, nhưng khi đã vượt qua được việc chấp nhận rủi ro các em sẽ thành công hơn trong tương lai. Những ngành mới bao giờ cũng tạo ra những xu hướng mới.
Phải nói thêm rằng, có nhiều ngành mới ở Việt Nam nhưng những ngành đó không còn mới trên thế giới, thậm chí đã được các nước kiểm định và đào tạo từ lâu. Đơn cử như tại Việt Nam mới xuất hiện ngành quản trị khởi nghiệp. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến quản trị nhân lực, quản trị logistic và quản trị khởi nghiệp là ngành rất mới tại Việt Nam nhưng lại không hề mới trên thế giới.
Việt Nam phát động quốc gia khởi nghiệp từ năm 2019, nhưng đến năm 2023, lần đầu tiên đào tạo quản trị khởi nghiệp, như vậy phải đến 2027 mới có lớp sinh viên đầu tiên ra trường, tức gần 10 năm sau khi phát động quốc gia khởi nghiệp. Như vậy ngành này tưởng rằng mới nhưng thực ra không hề mới.
Tôi vẫn khuyên học sinh rằng, nếu như các em đủ can đảm, đủ bản lĩnh, thì hoàn toàn nên lựa chọn những ngành học mới.
PV: Từ thực tế tư vấn tuyển sinh tại các trường phổ thông, thầy đánh giá thế nào về sự hiểu biết của học sinh bậc phổ thông về việc lựa chọn nghề nghiệp, cũng như công tác hướng nghiệp tại các trường THPT đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa, thưa thầy?
Ths Phạm Văn Minh: Tại nhiều trường tôi từng tư vấn, học sinh lớp 12 hiện nay có nhận thức khá rõ ràng về định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường vẫn chưa thực sự tốt. Hướng nghiệp là cả một quá trình, không phải đến khi học sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học rồi nhà trường mới hướng nghiệp.
Để lựa chọn một ngành nghề để theo đuổi, đáng ra học sinh cần được tìm hiểu và phát triển với định hướng đó trong suốt thời gian ở bậc phổ thông. Ví dụ, khi muốn làm bác sĩ, kỹ sư hay marketing, các em cần được định hướng ngay từ khi bước vào THPT, thậm chí từ lớp 1. Đừng nghĩ rằng trẻ quá nhỏ để hiểu biết về ngành nghề. Bất cứ ai cũng có những ước mơ từ nhỏ, như vậy các em cần được đào tạo, hướng nghiệp ngay từ nhỏ. Tại Việt Nam, công tác hướng nghiệp chưa thực sự tốt khi chỉ hướng đến những học sinh cuối cấp. Để thay đổi tư duy này, cần bắt đầu từ chính những chính sách, định hướng từ Bộ GD-ĐT, hay trước tiên hiệu trưởng các trường phổ thông cũng cần thay đổi suy nghĩ, hướng nghiệp từ sớm cho học sinh.
PV: Xin cảm ơn thầy./.