Được coi là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Trang trí nội thất, ông còn được vinh dự lựa chọn để tham gia thiết kế nội thất công trình Lăng Hồ Chí Minh và Nhà khách quốc tế của Lăng, thiết kế trưng bày bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông là họa sỹ, Nhà giáo nhân dân Lê Thanh.
Tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân trường Mỹ Thuật Việt Nam năm 1957, sau khi khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, họa sỹ, Nhà giáo Nhân dân Lê Thanh được Nhà nước cử đi học tập tại Liên Xô từ năm 1959 đến năm 1964 với chuyên ngành thiết kế và trang trí nội thất. Trở về nước, ông nhận công tác giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 1965, ông được phân công viết chương trình, thành lập Khoa Trang trí nội ngoại thất và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa trong suốt 30 năm công tác.
Phóng sự: Họa sỹ Lê Thanh sống trọn đam mê
Trong các công trình theo kiểu “chon mặt gửi vàng” này, vinh dự nhất là ông được lựa chọn để tham gia thiết kế nội thất công trình Lăng và Nhà khách quốc tế của Lăng. 15 năm tận tụy cùng công việc, ngày 18-5-1988 ông đã được Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và phần thưởng về sự đóng góp liên tục và đầy tinh thần trách nhiệm. Với trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm trong công việc, ông được Nhà nước chọn là một trong những thành viên tham gia làm việc với họa sĩ Liên Xô về thiết kế trưng bày bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngoài những công trình trọng điểm, ghi dấu ấn này, trong làng họa sỹ, ông còn là một trong những người được coi là đầu tiên tham gia xây dựng Bảo tàng Cách mạng trong những ngày đầu tiên.
Họa sĩ Lê Thanh đã dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên của ngành Thiết kế nội thất NTU
Các công trình nội ngoại thất của họa sĩ Lê Thanh đều có phong cách riêng, nghiêm túc, sang trọng, trang nhã, hài hòa với những ý tưởng mới đem lại một phong cách nội ngoại thất hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam. Ông được đồng nghiệp trân trọng coi là một “họa sĩ Cung đình” vì có nhiều tác phẩm phục vụ Trung ương Đảng và Chính phủ.
Nhà giáo nhân dân Lê Thanh được trường Đại học Nguyễn Trãi vinh danh
Một đời tận tụy với nghiệp và với khả năng riêng có ông được lãnh đạo Nhà nước, các Ban ngành tin tưởng giao tham gia thiết kế thi công nhiều công trình quan trọng, tham gia nhiều Hội đồng đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Trang trí của Hội Mỹ Thuật Việt Nam…Với nhiều công việc bận rộn của một họa sĩ thiết kế, nhưng trên cương vị người thầy, ông vẫn luôn tâm huyết với nghề, nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Tận tâm cùng sự nghiệp trồng người, ông đã được Nhà nước tặng Huy chương lao động sáng tạo nghệ thuật, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật…được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 2010.
Tham gia công tác giảng dạy và trở thành Trưởng ngành Thiết kế nội thất tại trường Đại học Nguyễn Trãi từ khi thành lập Khoa Mỹ thuật ứng dụng, mặc dù tuổi đã cao nhưng sự tận tụy trong sự nghiệp “trồng người” của nhà giáo nhân dân Lê Thanh chưa hề nguội tắt, ngược lại nó còn bùng lên dữ dội khi đứng trước những sinh viên thân yêu của mình. Với sự nhiệt tình, tận tâm, họa sĩ Lê Thanh đã “truyền lửa” cho nhiều thế hệ sinh viên, đến nay Thầy vẫn chưa có ý định sẽ dừng lại niềm đam mê giảng dạy của mình.